Sau khi đánh giá tình hình thu chi, người trẻ có thể áp dụng quy tắc “chia ví” để tiết kiệm và gia tăng hiệu quả đầu tư.
Ngọc Minh (23 tuổi) vừa bắt đầu công việc tại một công ty công nghệ với mức lương 15 triệu. Ban đầu, Minh thường xuyên dùng thẻ tín dụng do không kiểm soát tốt chi tiêu, hết tiền trước ngày nhận lương.
Nhận ra cần thay đổi, Minh tiến hành đánh giá lại tình hình tài chính bằng cách liệt kê thu nhập và chi phí hàng tháng. Sau khi thống kê các nguồn thu, Minh áp dụng quy tắc “chia ví” thành hai nhóm: chi phí thiết yếu (tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống) và chi phí không thiết yếu (giải trí, mua sắm). Nhờ việc phân loại này, Minh có cái nhìn rõ hơn về cách mình sử dụng tiền và bắt đầu tìm cách quản lý tài chính tốt hơn.
Quy tắc chia ví
Theo các chuyên gia kinh tế, với những người mới đi làm, thu nhập chưa cao, nên chọn quy tắc 50% cho chi phí cần thiết, 30% cho các hoạt động giải trí và 20% cho tiết kiệm.
Khi thu nhập tăng lên, Minh có thể chuyển sang áp dụng quy tắc “chia ví” theo sáu phần bao gồm: 55% cho nhu cầu thiết yếu, 10% cho đầu tư, 10% cho tiết kiệm dài hạn, 10% cho phát triển bản thân, 10% cho hưởng thụ và 5% cho từ thiện. Việc này giúp Minh kiểm soát tài chính cá nhân, chuẩn bị cho các mục tiêu dài hạn như mua nhà, đầu tư và nâng cao kiến thức.
Bên cạnh việc “chia ví”, tính kỷ luật trong chi tiêu cũng rất quan trọng trong việc quản lý tài chính. Nghiên cứu của World Bank’s Global Findex Database cho thấy sự phổ biến của công nghệ tài chính (FinTech) đã thay đổi cách mọi người quản lý tiền bạc, đặc biệt là giới trẻ. Sự tiện lợi của các ứng dụng mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt đã khiến nhiều người trẻ dễ dàng chi tiêu quá mức.
Xử lý các chi phí bất ngờ với quỹ khẩn cấp
Một trong những yếu tố quan trọng trong kế hoạch tài chính của Minh là xây dựng quỹ khẩn cấp. Nhờ việc tiết kiệm 20% thu nhập hàng tháng để xây dựng quỹ khẩn cấp, Minh có thể đối phó với những tình huống bất ngờ mà không cần vay mượn. Ví dụ, khi xe của Minh gặp sự cố và cần sửa chữa, cô có sẵn tiền từ quỹ khẩn cấp để chi trả mà không cần phải sử dụng thẻ tín dụng, đảm bảo tài chính ổn định.
Tương tự, khi phải nhập viện, nhờ quỹ khẩn cấp giúp cô trang trải viện phí. Sau tình huống này, cô quyết định mua bảo hiểm sức khỏe để bảo vệ bản thân trước các rủi ro. Minh cũng cân nhắc đến gửi tiết kiệm, quỹ đầu tư, những lựa chọn này có thể giúp Minh gia tăng tài sản, mang lại nguồn thu nhập thụ động trong dài hạn. Điều này giúp Minh cảm thấy an tâm hơn về tài chính, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, câu chuyện của Minh là điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc lập ngân sách và quản lý tài chính cá nhân. Lập kế hoạch chi tiêu ngay từ sớm là một bước quan trọng để kiểm soát tài chính, giúp hướng đến cuộc sống độc lập và bền vững.
Thái Anh