- Tháng hai 1, 2025
Gen Z ăn Tết theo cách Việt Nam tôi đó!
Nếu hỏi Tết năm nay, điều gì để lại ấn tượng với bạn mạnh mẽ nhất?
Nhiều người sẽ có chung đáp án: Tất cả mọi người đều diện áo dài.
Ở Hà Nội, ra Hồ Gươm là thấy vô vàn những chị em thướt tha, thả dáng trong trang phục truyền thống. Vòng qua tới Lăng Bác, thấy thêm những gia đình cùng mặc áo dài tông xoẹt tông đang chụp ảnh kỷ niệm.
Ở TP.HCM, các địa điểm nổi tiếng nhất thành phố như Dinh Độc Lập, đường hoa Nguyễn Huệ hay tuyến metro Bến Thành cũng tấp nập người ra vào, ai nấy đều rạng rỡ khi mặc áo dài du xuân.
Có người đã diện đến bộ thứ 3, thứ 4 trong tủ và dường như “đường đua” này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù Tết sắp qua.
Năm nay, thấy ai cũng mê và tự hào khi khoác lên mình bộ áo dài – một nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc. Không chỉ ở cách ăn mặc, người trẻ còn ăn Tết theo cách rất đặc biệt khi tích cực rủ nhau tham gia các lễ hội, các loại hình văn hoá – nghệ thuật mang màu sắc Việt mà nhiều năm trước có thể họ chưa thật sự đặt tâm ý mình vào đó.
Đi qua một năm 2024 và chứng kiến tình yêu nước được lan toả theo cách đặc biệt, Gen Z bước sang năm 2025 với tâm thế khác. Tâm thế của những người tích cực flex tình yêu đất nước từ những điều thân thuộc nhất, như là yêu Tết, yêu áo dài.
7 năm, cứ đến Tết là diện áo dài, năm nay còn cùng gia đình đi thăm Hoàng Thành Thăng Long
Cẩm Tú (23 tuổi, Hà Nội) hiện đang là nhân viên văn phòng và mẫu ảnh bán thời gian.
Thu Phương (21 tuổi) – sinh viên năm 3 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).
Hai bạn trẻ học tập, làm những công việc khác nhau nhưng lại có chung một sở thích, thói quen chính là diện trang phục truyền thống xuyên mấy ngày Tết.
Với Cẩm Tú, Tết Ất Tỵ 2025 là năm thứ 7 cô bạn lựa chọn mặc áo dài trong những ngày đầu xuân này. “Từ năm 2018, mình đã hình thành thói quen mặc áo dài vào mùng 1 và mùng 3 Tết. Ngoài ra trước đó mình cũng diện áo dài để chụp bộ ảnh Tết. Nên năm nay khi thấy nhiều cũng có chung lựa chọn khiến mình cảm thấy vui và tự hào.
Mình luôn cảm thấy áo dài mang một ý nghĩa rất đặc biệt, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Do đó vào dịp Tết cổ truyền mà diện trang phục truyền thống thì càng phù hợp và lan tỏa được nét đẹp này hơn”, Cẩm tú nói.
“Kinh nghiệm” 7 năm mặc áo dài mùa Tết, Cẩm Tú nhận thấy thiết kế của bộ trang phục truyền thống này ngày càng có nhiều lựa chọn hơn, sáng tạo, cách điệu nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc. “Khi đi dạo phố những ngày này, mọi người sẽ bắt gặp rất đông người xúng xính áo dài. Không chỉ hội chị em mà năm nay, các chú, các anh cũng diện áo dài rất nhiều. Tạo nên khung cảnh phố phường đầy màu sắc và mình nghĩ nếu du khách đến Việt Nam dịp này chắc hẳn cũng rất ấn tượng”, Cẩm Tú chia sẻ thêm.
Trong khi đó Thu Phương, cô bạn Gen Z này cũng đã bắt đầu yêu áo dài nhiều hơn trong khoảng 3 năm trở lại đây. Thu Phương cho hay thời gian gần đây, áo dài Việt Nam trở nên gần gũi, quen thuộc hơn với người trẻ. “Trước đây mình thường nghĩ các bà, các mẹ sẽ thích diện áo dài hơn nhưng vài năm nay, mặc lên mình những trang phục vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại lại khiến mình cảm thấy rất hứng thú.
Càng lớn mình càng thích mặc áo dài và không muốn nằm ngoài ‘đường đua’ này. Thật sự rất tự hào và hãnh diện khi là người Việt và được mặc áo dài những ngày Tết”, Thu Phương bày tỏ.
Tết này, ngoài diện áo dài, Thu Phương còn đến các địa điểm mang tính lịch sử trong thành phố để chụp ảnh, tham quan.
Cô nàng cho biết năm nay cùng gia đình dạo một vòng Hồ Hoàn Kiếm, sau đó sẽ đi thêm Khu di tích lịch sử, văn hóa Hoàng Thành Thăng Long: “Bình thường chỉ đi qua nhưng ngày Tết thảnh thơi hơn mình chọn đến những địa điểm này vừa thăm thú, vừa học hỏi thêm về kiến thức lịch sử – văn hóa Việt. Đây cũng là dịp để gia đình quây quần, kết nối các thế hệ với nhau nên mình rất trân trọng khoảng thời gian này”.
May áo dài, chụp ảnh cho những người trẻ đam mê văn hoá truyền thống
Đó là câu chuyện của Song Thi – cô bạn sinh năm 2000, chủ một tiệm may áo dài tại TP.HCM và Tú Vy (SN 2003) – một nhiếp ảnh gia tự do ở Hà Nội.
Với Song Thi, tình yêu áo dài của cô bắt nguồn từ việc có mẹ là giáo viên, mỗi ngày đều thấy mẹ diện một tà áo dài để lên lớp giảng dạy. Lòng yêu cái đẹp của Thi đã được nuôi dưỡng từ nhỏ.
“Từ cái đẹp, mình tìm hiểu nhiều hơn đến tình yêu văn hóa, tình yêu của dân tộc Việt Nam đối với trang phục truyền thống của mình, và cứ thế, mình đã quyết định đi theo con đường may mặc, thiết kế áo dài với chất liệu làng quê, những thứ Việt Nam nhất mình được biết và được trải nghiệm từ chính tuổi thơ “chân đất” của mình.
Bởi từ nhỏ, mình được ông bà nuôi lớn tại làng quê khi ba mẹ còn đang chật vật với cuộc sống, đồng tiền để lo cho con cái, mình đã được lớn lên 1 cách tự nhiên lại mảnh đất thôn 11 – nơi con trâu, cái cày quá đỗi quen thuộc, và đứa trẻ nào cũng lớn lên nhờ lời ru của bà, lời dạy bảo của ông”, Song Thi nói về tình yêu với tà áo dài, với cội nguồn đã thấm dần từ tấm bé.
Một bạn trẻ Gen Z làm nghề may áo dài, Song Thi hiểu cái “cốt” vẫn là quan trọng nhất.
“Cốt” ở đây, ý chỉ 1 tấm áo dài được may chuẩn chỉ, cắt gọt đúng nghĩa, từ cái gốc, cái nền sẵn có, sau đó mới họa lên, sáng tạo thêm những gì mà Thi học được trong thời đại mới. Cô bạn bày tỏ: “Đối với mình, truyền thống là kế thừa, là phát huy, mình không cố gắng biến nó thành một thứ khác, cái mình làm là gìn giữ, và khiến nó bền bì sống mãi với thời gian”.
Đó cũng chính là một phần lý do mà trên những chiếc áo dài của Song Thi đều thêu Quốc kỳ Việt Nam và Tiêu ngữ: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Nói về điều đặc biệt này, Thi cho hay: “May mắn nhất đến thời điểm hiện tại của mình là thêu được tình yêu dân tộc của người Việt nằm sâu trên tà áo dài.
Điều thúc đẩy mình tạo ra những mẫu áo dài này, nhiều nhất phải kể đến các bạn nữ hậu phương, những người con xa quê xứ người, chính những vị khách này đã đến và kể cho mình nghe về lòng yêu nước, về sự sẵn sàng chờ đợi người thương hoàn thành nhiệm vụ đất nước để cùng về trong vòng tay gia đình,… Mỗi câu chuyện có một nét riêng nhưng lại có điểm chung, họ yêu màu cờ đỏ sao vàng của nước mình”.
Mỗi dịp Tết đến, Song Thi cùng đội ngũ phải làm ngày đêm, có hôm lên tới 12 tiếng đồng hồ để kịp hoàn thiện cho khách hàng. Bản thân Song Thi, mỗi dịp lễ Tết, cô đều chọn áo dài nên cũng luôn mong muốn, gửi gắm tình yêu ấy đến với nhiều người hơn. Song Thi quan niệm, áo dài là trang phục truyền thống của người Việt, vậy nên, ai cũng có quyền được tự tin khi mặc. Không phân biệt bạn là ai, chỉ cần mặc áo dài là gọi hai tiếng thân thương “người Việt”.
Tương tự Song Thi, Tú Vy cũng “hưởng” Tết theo cách riêng. Khi mọi người du xuân, Tú Vy sẽ đi chụp những bộ ảnh diện áo dài cho các “nàng thơ” tại một số địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội. Điều này khiến cô bạn vừa giúp mọi người lưu giữ kỷ niệm đẹp, vừa có thể ngắm nhìn những vẻ đẹp truyền thống qua ống kính của riêng mình.
“Mình là một thợ ảnh tự do, đã 3 năm liên tiếp, mình được mọi người đặt lịch chụp áo dài Tết. Đi chụp mới thấy càng ngày, càng nhiều người trẻ giống như mình yêu thích áo dài, mê đắm trang phục truyền thống. Nhìn mọi người qua lăng kính của riêng mình, cảm giác vừa vui, vừa tự hào vì có thể cùng nhau gìn giữ nét đẹp này”, Tú Vy nói.
Cô bạn cũng cho hay hầu hết các khách hàng tìm đến dịp Tết đều bày tỏ mong muốn được chụp bộ ảnh áo dài với background là những gì thân thuộc nhất. Không gò bó trong studio với phông xanh, phông trắng, Tú Vy đưa mọi người đến những địa điểm quanh Hà Nội, vừa tham quan, vừa chụp hình và cũng có thể lưu lại kỉ niệm qua những bức hình.
Tú Vy chia sẻ: “Mình sinh sống và làm việc tại Hà Nội nên các vị khách cũng đều là những người yêu thích vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô. Họ thích được chụp tại những con phố xưa cũ, nơi có một quán trà đá quen thuộc hay những cánh cửa nhuốm màu thời gian. Họ cũng thích những khoảnh khắc đi dưới cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong một con ngõ nhỏ bình dị. Hay đôi khi, những địa điểm tưởng chừng quá đỗi quen thuộc như Lăng Bác, Bảo tàng lịch sử, Nhà tù Hỏa Lò,… cũng được các bạn trẻ lựa chọn”.
Với Tú Vy, đó như một cách thể hiện tình yêu với đất nước của những người trẻ. Không cầu kỳ, phô trương, mọi thứ giản dị nhưng lại đẹp một cách kỳ lạ.
“Cảm giác ngắm nhìn những cô gái Việt Nam diện áo dài, đứng trước những địa danh mang tính lịch sử luôn khiến mình cảm thấy hào hứng, tự hào. Bản thân mình cũng là người yêu nét đẹp truyền thống nên mình hiểu ngôn ngữ của Gen Z tụi mình là tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống theo cách hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc, tinh hoa vốn có”, Tú Vy nói.
Cuối cùng, giống như Song Thi nói, gen Z luôn tự hào khi được kế thừa tài nguyên quá đỗi dồi dào, biết hướng về nguồn cội và phát triển theo cách riêng.
“Gen Z chúng mình cực kì biết ơn lịch sử, văn hóa, tình đồng bào qua bao nhiêu năm. Với những bạn trẻ đang làm nghề giống như Thi hoặc cũng yêu áo dài, yêu nước giống như mình thì tất cả đều đang góp phần nuôi và dưỡng di sản văn hóa phi vật thể”, Song Thi tự hào bày tỏ.
Đi chúc Tết bằng metro, diện cổ phục xuống phố
Và ăn Tết theo cách Việt Nam tôi đó của năm 2025 còn thể hiện qua những điều nhỏ xíu xiu vô cùng tự nhiên, dễ thương như việc mặc áo dài đi metro ngày Tết, chụp ảnh đăng lên mạng để tạo ra một tấm hình Tết đặc biệt.
Thanh Xuân (quận 10) là một trong những Gen Z diện áo dài đi chụp ảnh Tết ở metro. Cô bạn tâm sự chỉ riêng chuyến tàu của mình thôi cũng thấy kha khá bạn trẻ cũng diện áo dài, nhiều bạn còn đầu tư thêm cả hắt sáng, hoa mai, máy ảnh… trông rất đầu tư. “Trên chuyến tàu của mình có rất đông bạn trẻ mặc áo dài đi chúc Tết. Mình thấy việc mặc áo dài truyền thống rồi chụp ở những góc trên metro, đó là sự kết hợp của truyền thống và hiện đại, trông cũng điện ảnh nữa”.
Không chỉ đến metro để chụp ảnh, các bạn trẻ còn có lựa chọn thú vị hơn: Rủ ba mẹ đi chúc Tết bằng metro!
Minh Anh – đang sinh sống tại TP. Thủ Đức chia sẻ: “Mình quyết định rủ cả nhà đi chơi Tết, đi chùa bằng metro luôn. Ban đầu cũng sợ ba mẹ không oki vì phải đi bộ giữa các ga, ai ngờ ba mẹ lớn tuổi mà còn hào hứng hơn cả mình nữa. Thế là gia đình mình cũng có nhiều thời gian khi đi bộ và nói chuyện giữa các chuyến tàu đợi”.
Cách tận hưởng mùa Tết mới này của Minh Anh vừa có thể giúp bố mẹ trải nghiệm những điều mới lạ, hiện đại tại nơi đang sống vừa là dịp để gắn kết gia đình.
Còn với Đức Khánh (20 tuổi) đang sinh sống tại TP.HCM, học chuyên ngành Quan hệ quốc tế và hoạt động sôi nổi trong một Z-Team về văn hóa – Bách Hoa Bộ Hành thì có cách “hưởng” Tết cực ấn tượng.
Vì đang làm việc với nhóm các bạn trẻ của Bách Hoa Bộ Hành nên không năm nào anh bạn không diện trang phục truyền thống vào dịp này. Chia sẻ về cơ duyên đến với cổ phục Việt, Đức Khánh nói: “Bản thân mình là Gen Z và biết đến cổ phục, trang phục truyền thống của Việt Nam khoảng 5 năm. Nhìn nhận lại một chút thì tầm đó, vẫn chưa có nhiều bạn trẻ thật sự quan tâm, tìm hiểu sâu sắc về những giá trị truyền thống, đặc biệt là trang phục xưa.
Tuy nhiên trong khoảng 1 – 2 năm đổ lại đây, hay cụ thể hơn là giữa 2024 đến nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ mặc cổ phục, tham gia vào các hoạt động diễu hành trên phố cổ,… Điều này là minh chứng rõ ràng trong việc thế hệ trẻ không thờ ơ trước giá trị truyền thống mà ngày càng lan tỏa, tự hào về những nét đẹp văn hóa của Việt Nam”.
Đức Khánh cho biết, hầu hết các bạn trẻ giống như mình đều không gò bó quá vào khuôn khổ nào đó hay đi theo lối mòn khi thật sự muốn thể hiện tình yêu với 1 điều gì đó, mà luôn chọn cách thể hiện thông qua những điều xung quanh bản thân, những gì cá nhân có thể làm.
Và tình yêu nước cũng vậy!
- Nguồn:
- LINK