- Tháng hai 16, 2025
Học trường quốc tế tiêu của bố mẹ gần 1 tỷ năm, đi làm lương khởi điểm 8 triệu: Sao tôi thấy như bị lừa vậy?
Không biết từ lúc nào, mức lương 8 triệu đồng/tháng đã được cư dân mạng mặc định là con số cơ bản, khởi điểm cho các “ma mới” khi bắt đầu công việc ở nhiều ngành nghề. Đây không phải là số tiền nhỏ bởi nó cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người Hà Nội 2023 – 6,869 triệu đồng/tháng.
Song còn tùy vào tính chất công việc và ngành nghề, năng lực ứng viên,… mà người ta sẽ xem xét mức lương khởi điểm 8 triệu/tháng có phù hợp hay không. Từ đây có một vấn đề đặt ra là với những sinh viên từng theo học các trường quốc tế có học phí cao khủng khiếp, tính tổng cộng tiền ăn học có thể lên đến 40 – 50 triệu/tháng, họ cảm thấy thế nào với con số 8 triệu?
Đây chính là nội dung bài đăng khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao trên MXH:
“Với các bạn học trường quốc tế, học phí 300 – 350 triệu/ năm, thậm chí xấp xỉ 1 tỷ/ năm thì các bạn mong đợi mức lương khởi điểm khi mới ra trường hoặc 1 – 2 năm kinh nghiệm là bao nhiêu? Liệu các bạn có chấp nhận đi làm với mức lương 8 triệu/ tháng sau khi ra trường không?”.
Bài đăng nhận được sự quan tâm khá lớn trên Threads (Ảnh chụp màn hình)
Có người thấy mức lương này là bình thường, hoàn toàn có thể chấp nhận được. Có người khẳng định mình sẽ loại những công ty này ngay từ khi tìm việc vì thấy không xứng đáng. Và phe nào cũng có những lý lẽ của riêng mình.
Học phí cao chứng minh năng lực của bố mẹ bạn, không phải của bạn
Tiền học nói trên hoàn toàn là con số thực tế ở các trường đại học quốc tế trong nước. Chẳng hạn học phí chương trình đại học năm 2025 tại trường đại học RMIT Việt Nam rơi vào khoảng 1 tỷ – 1,1 tỷ/ năm, tương đương 25 – 27,5 triệu/tháng. Chương trình cử nhân do ĐH London cấp bằng tại trường đại học Anh quốc Việt Nam BUV có học phí khoảng 1,25 tỷ/năm, tức là khoảng 31,2 triệu đồng/tháng.
Nếu tính thêm các khoản chi phí khác như ăn uống, sinh hoạt, đi lại, mua sắm, giải trí,… thì mỗi tháng có thể tốn đến 40 – 50 triệu đồng, 4 năm học tương đương 1,6 – 2 tỷ đồng. Số tiền này có thể giúp bạn sở hữu một căn hộ chung cư, một chiếc xe ô tô hoặc khoảng 22 cây vàng.
Dẫu vậy đi chăng nữa, nhiều người vẫn khẳng định mức lương khởi điểm 8 triệu/ tháng là bình thường.
Bởi lẽ còn một thực tế khác là phần lớn tiền học này sẽ do gia đình đầu tư, không phải bản thân người đó. Tức là tiền học cao chứng minh năng lực của bố mẹ không phải năng lực của người đó. Trong khi đó điều mà nhà tuyển dụng cần là năng lực của bạn và mức lương được trả theo đúng năng lực.
Vấn đề là mỗi người học hỏi được gì, trau dồi được năng lực nào khi bỏ ra 40 – 50 triệu/ tháng để học đại học. Nếu thứ mà người đó có được sau 4 năm cũng tương tự như người đi học với 5 – 7 triệu/tháng thì không thể đòi hỏi nhiều hơn về mức lương.
Điều quan trọng hơn, mức lương đó chỉ là khởi điểm và ai cũng cần phải có chí tiến thủ, thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Và suy nghĩ tốn nhiều tiền nên ra trường phải lương cao hạn chế cơ hội của mỗi người. Bây giờ có thể bạn đi làm với mức lương 8 triệu nhưng biết đâu 2 – 3 năm sau con số lại là 80 triệu hay cả trăm triệu mỗi tháng?
(Ảnh minh hoạ)
Một số bình luận từ cư dân mạng:
– Hồi 2015 mình du học về đi làm lương khởi điểm là 8 triệu/ tháng, sau 3 tháng thử việc được tăng lên, 6 tháng lại lên tiếp. Trong vòng 1 năm lương của mình tăng 40%, mức cao nhất công ty nhưng bù lại là những ngày đánh đổi làm đến 8 – 9h tối nên sau đó thì bắt đầu cân bằng lại… Bạn mình cũng đi du học từ đại học lên đến Thạc sĩ rồi về nước làm cho tập đoàn lớn, lương khởi điểm cũng 7 – 8 triệu, sau 2 – 3 năm lên làm giám đốc tài chính… Tức là vấn đề nằm ở lộ trình và sự phát triển sự nghiệp, chứ không phải ở mức lương khởi điểm.
– Không quan trọng lương khởi đầu bạn thế nào, quan trọng là quá trình bạn đi lên và đóng góp gì cho công việc. Tiền học ở các trường quốc tế hay đi du học không chỉ trả cho kiến thức mà còn mang lại tư duy, mối quan hệ, trải nghiệm,… và bạn vận dụng nó thế nào cho cuộc sống tốt hơn.
– Suy nghĩ vì mình đã tốn nhiều tiền đi học nên ra trường phát phải lương cao này nọ là tự hạn chế rất nhiều cơ hội. Tuy các bạn nên có tiêu chuẩn riêng về công việc đầu tiên vì xuất phát điểm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự nghiệp nhưng cần thực tế. Ví dụ mình học trường top trong nước và công việc đầu tiên lương thấp hơn 10 triệu/ tháng là không oke nhưng nếu không có lựa chọn nào khác thì đành chấp nhận thôi. Ai cũng bắt đầu từ đâu đó, nhưng sẽ không mãi ở đó.
– Doanh nghiệp trả lương theo hiệu quả lao động chứ không dựa trên bằng cấp hay học phí.
– Dù học ở đâu ra thì lương khởi điểm trong cùng một ngành không khác nhau là mấy và cũng không việc gì phải khác. Vì doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải nhìn vào cái bằng của mình để trả lương. Lương bổng, địa vị chỉ tăng khi giá trị mình đem lại cho doanh nghiệp tăng và thường mới ra trường giá trị mình đem lại cho doanh nghiệp khá là tương đương nhau nên không ai có thể đòi hơn ai là mấy. Hiểu được điều này mình có thể điều chỉnh nguyện vọng của bản thân về sát thực tế.
– Mình tốt nghiệp trường quốc tế và không mong mỏi gì ở mức lương mới ra trường. Mình nghĩ nhiều bạn cũng giống mình, coi công việc đó là part-time, đi làm để được cập nhật, tránh bị đóng băng với xã hội thôi còn lại tụi mình quan tâm tới nguồn thu nhập từ đầu tư, kinh doanh hơn là con số 8 triệu.
Cảm giác như bị lừa, về làm cho gia đình còn hơn
Ngược lại với quan điểm nói trên, không ít người lại khẳng định sau khi đã chi ra số tiền lớn như vậy để đi học thì mức lương, kể cả khởi điểm, nhận được cũng phải tương xứng. Trong tình huống phải đối mặt với con số khởi điểm 8 triệu/ tháng hoặc loanh quanh mức này thì họ không thể chấp nhận và sẵn sàng từ chối, tìm cơ hội khác phù hợp hơn. Lựa chọn khác này có thể ví dụ như nộp CV vào công ty khác, về phụ giúp bố mẹ làm việc cho doanh nghiệp gia đình, tự kinh doanh riêng,…
Ngoài lý do đầu tư rất nhiều tiền để đi học, những người này còn cho rằng bản thân đã bỏ ra không ít công sức trong quá trình học tập nên con số 8 triệu là không thỏa đáng. Mức lương khởi điểm mà họ đưa ra là 15 triệu đồng/ tháng, nếu không sẽ không bao giờ chấp nhận.
Thực tế, tâm lý hụt hẫng, cảm giác như bị lừa khi lương quá chênh lệch so với tiền là hoàn toàn bình thường. Bởi gia đình có điều kiện đến mấy thì bố mẹ cũng phải làm việc vất vả mới có được vài tỷ đồng cho con cái đi học đại học. Nhưng đến khi đi làm chúng ta lại không tìm được công việc có mức lương cao như mong đợi sẽ xuất hiện cảm giác không cam lòng.
(Ảnh minh hoạ)
Những ý kiến ủng hộ quan điểm này:
– Mình học trường quốc tế, có học bổng nên học phí còn 80 triệu/ năm. Nhưng với công sức đã bỏ ra ở đây thì mình thực sự mong muốn lương khởi điểm là 15 triệu/ tháng. Và mình nghĩ điều này không phải là bất khả thi vì các anh chị khóa trước cũng đều đi thực tập ở tập đoàn lớn, rồi Big4 kiểm toán đủ cả. Mình mới năm nhất chưa được đi thực nên chưa biết sao nhưng hiện tại là học rất nhiều, lương 8 triệu/ tháng thực sự không bù đắp nổi.
– Tôi học đại học bình thường thôi nhưng mà cũng chẳng chấp nhận mức lương 8 triệu ấy. 8 triệu giờ này sao mà sống?
– Đương nhiên là không chấp nhận rồi. Bỏ gần 1 tỷ bạc đi học xong ra trường đi làm ở khách sạn 5 sao được trả lương theo kiểu nhân viên part-time 25k/ tiếng. Mình nghỉ việc đổi ngành rồi.
– Mình học trường quốc tế 300 – 400 triệu/ năm, đi du học 800 triệu/ năm. Về nước xin việc muốn mức lương 15 triệu/ tháng. Xin lỗi nhưng công ty nào trả thấp hơn mình từ chối. Và “trộm vía” là công ty hiện tại trả lương gần như gấp đôi. Đi du học rồi về nước làm việc là đã xác định sẽ không bao giờ hoàn vốn và gia đình mình cũng không trông đợi mình phải kiếm tiền tỷ.
– Mình không muốn nói tới lời lỗ đâu nhưng đi học bằng tiền của ba mẹ. Biết là mới ra trường không thể nào đòi lương cao cái vèo được nhưng nghĩ tới cảnh lương thấp rồi leo từ từ mới lên nhưng ba mẹ đợi kịp tới ngày mình trả lại “vốn” không đó mới là điều mình trăn trở nhất khi nghĩ tới câu chuyện tiền lương và tiền học. Mình thì thoải mái, lương 8 triệu cũng không hề gì nhưng nghĩ tới cảnh không biết khi nào đủ để hoàn vốn cho ba mẹ và báo hiếu nữa thì stress.
– Vẫn biết đi học và đi làm là 2 việc hoàn toàn khác nhau nhưng với mức lương đó thì đôi khi tôi cảm thấy như bị lừa.
– Mình đang học trường bình thường nhưng dạng liên kết với nước ngoài nên học phí cũng ngót nghét 100 – 120 triệu/năm, tức là khoảng 10 triệu/ tháng chỉ tính riêng học phí. Đợt vừa rồi đi thực tập thì đồng lương đầu tiên nhận được là 3 triệu. Thiết nghĩ về bảo mẹ cho xin chân làm việc tại nhà hàng của gia đình có khi lương còn cao hơn.
– Tôi đi du học mà lương khởi điểm 8 triệu thì không dám về mất. Du học xong về lương không bằng mọi người học ở trong nước thì đúng là đốt tiền của ba mẹ rồi.
Còn bạn, bạn nghĩ gì về tình huống này?
- Nguồn:
- LINK