• Tháng mười một 5, 2024

Bí mật đằng sau cánh cửa nhà giàu: Cuộc sống học tập căng thẳng của những đứa trẻ “gà nòi”

Bí mật đằng sau cánh cửa nhà giàu: Cuộc sống học tập căng thẳng của những đứa trẻ “gà nòi”

Upper East Side là một trong những khu vực giàu có nhất của Manhattan, New York, Mỹ và cũng là biểu tượng của “giới thượng lưu lâu đời”. Từ trước đến nay, hầu hết các gia đình giàu có nhất New York đều sinh sống tại đây.

Những người có tài sản nằm trong top 1% của New York thường cho con cái theo học tại các trường tư ở Upper East Side, nơi có đội ngũ giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới.

Cuộc sống và giáo dục của các gia đình siêu giàu này thực sự như thế nào? Liệu họ có đối mặt với những áp lực “con nhà người ta” như những gia đình khác?

Tác giả của cuốn sách “Tôi làm gia sư ở Upper East Side”, Bryce Rogsberg – một cựu sinh viên Harvard đang theo học tiến sĩ tâm lý tại Đại học Rutgers, đã vô tình khám phá ra sự thật về việc nuôi dạy con cái của giới thượng lưu.

Trong thời gian làm gia sư tại một trường tư danh tiếng ở Manhattan, cô đã giúp một học sinh đến từ gia đình giàu có mắc chứng khó học, cải thiện điểm số từ B+ lên A và từ đó mở ra cơ hội trở thành gia sư cho nhiều gia đình giàu có khác ở New York.

Bí mật đằng sau cánh cửa nhà giàu: Cuộc sống học tập căng thẳng của những đứa trẻ

Trẻ con nhà giàu phải học rất nhiều thứ

Trong hơn một thập kỷ, Bryce đã tiếp xúc với hàng trăm học sinh đến từ các gia đình giàu có ở Brooklyn và Manhattan. Cuộc sống và việc học tập của những đứa trẻ này đã thu hút sự quan tâm của tác giả và trở thành một “cửa sổ” giúp cô quan sát tầng lớp thượng lưu.

“Các bậc phụ huynh trên thế giới đều có một điểm chung, đó là mong muốn con cái có một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng lại không biết phải làm thế nào”. Cô nhận thấy rằng, sự giàu có không mang lại sự bình yên cho các bậc phụ huynh này, mà ngược lại, nó càng làm gia tăng nỗi sợ hãi về việc con cái mình sẽ thua kém so với những người khác.

Đồng thời, cô cũng phát hiện ra rằng, đằng sau vẻ hào nhoáng và thành công khi theo học tại các trường đại học danh giá và tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ, nhiều đứa trẻ thuộc tầng lớp tinh hoa lại đang phải đối mặt với áp lực nặng nề, cảm thấy buồn chán, cô đơn.

Nhiệm vụ nuôi dạy con cái của người mẹ

Đại lộ Thứ Năm là trung tâm của Manhattan, nhiều học sinh của Bryce sống tại các khu dân cư cao cấp ở đây. Những đứa trẻ ở đây thường có cha mẹ rất giàu có, gia đình sở hữu biệt thự ở Hamptons, Long Island, New York, thường xuyên đi công tác và nghỉ dưỡng ở khắp nơi trên thế giới. Họ dễ dàng gửi con cái vào các trường tư với học phí hàng năm lên tới 50.000 USD.

Điều khiến Bryce ngạc nhiên là ngay cả những gia đình giàu có như vậy cũng rất sốt sắng trong việc chuẩn bị cho tương lai của con cái và liên tục thúc đẩy con cái học tập.

Bí mật đằng sau cánh cửa nhà giàu: Cuộc sống học tập căng thẳng của những đứa trẻ

Nhiệm vụ nuôi dạy con hầu như đều được giao cho các bà mẹ. Người mẹ thường tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng, rất quan tâm đến việc nuôi dạy con cái. Đối với họ, nếu con cái không đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, đó là do họ đã không làm tốt công việc của mình.

Họ giúp con chọn các môn học mỗi học kỳ, họp với cố vấn học tập, giáo viên và gia sư của con vào đầu mỗi năm học để thảo luận về kế hoạch học tập, thậm chí còn gửi email cho giáo viên về những vấn đề nhỏ nhặt như sách bị mất hoặc mối quan hệ không hòa hợp giữa con và bạn bè trong lớp.

Người mẹ cũng rất tích cực tham gia các hội thảo về cách giúp con cải thiện thành tích học tập và có thể nói chuyện hàng giờ về tình hình học tập của con. Nhiều phụ huynh còn thuê các chuyên gia về học tập với giá 4.000 USD để đánh giá việc học của con mình.

Tất nhiên, họ cũng rất chú trọng vào việc tìm gia sư. Họ sẽ phỏng vấn trực tiếp, tìm hiểu về trình độ học vấn, kinh nghiệm giảng dạy tại các trường học và sự hiểu biết về chương trình học của gia sư. Sau đó, họ sẽ xem xét xem liệu con cái họ có hợp tính với gia sư hay không.

Cuộc sống của những đứa trẻ giàu có và áp lực từ cha mẹ

Trong lịch trình dày đặc của những đứa trẻ con nhà giàu, gia sư chỉ là một trong nhiều hoạt động.

– Lịch học dày đặc

Lấy ví dụ học sinh mà Bryce dạy, Lily – cô bé gần như có gia sư cho tất cả các môn học. Mẹ của cô bé thiết lập một lịch trình được lập kế hoạch cẩn thận, đảm bảo thời gian học của con gái không bị trùng lặp.

Một ngày của Lily chủ yếu diễn ra như sau:

Mỗi buổi sáng, cô bé tập squash, sau đó đến trường học, tan học lại đi đánh squash, và cuối cùng trở về nhà làm bài tập và học với 2 gia sư.

Cần lưu ý rằng, ở khu vực này, những đứa trẻ như Lily đều chơi squash. Đối với chúng, squash không chỉ là một môn thể thao ít người biết đến, mà còn là chiếc vé vào các trường đại học danh tiếng như Ivy League.

Chỉ có Bryce biết rằng, so với việc cầm vợt squash, Lily lại thích cầm kim chỉ hơn. Cô bé thường chia sẻ: “Em muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang, nhưng không có thời gian tham gia lớp học thời trang”.

Trong những gia đình giàu có, có nhiều đứa trẻ như Lily không có quyền lựa chọn tự do và thậm chí không có thời gian để thư giãn.

– Cuộc sống không có thời gian nghỉ ngơi

Những người thuộc tầng lớp 1% giàu có nhất, nhìn bề ngoài có vẻ không lo lắng, nhưng khi tiếp xúc với họ, Bryce nhận thấy cuộc sống của họ ngập tràn lo âu và cạnh tranh.

Họ lo lắng hơn về việc con cái có thành đạt hay không và khao khát hơn trong việc định hình con cái theo hình mẫu lý tưởng của mình. Do đó, nhiều học sinh mà Bryce tiếp xúc giống như đang sống trong một chiếc nồi áp suất.

Áp lực này trước hết đến từ các trường tư thục hàng đầu.

Học sinh còn phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, phải luyện tập các môn thể thao ít người biết đến để vào được các trường đại học hàng đầu. Bởi vì các trường Ivy League thường nhận học sinh đến từ các trường tư thục danh tiếng và có thành tích xuất sắc trong đội thể thao.

Trong suốt 1 ngày, đứa trẻ không phải đang tập luyện với huấn luyện viên riêng thì cũng là trên đường đi tham dự các giải đấu, và còn phải học SAT với gia sư có mức phí 800 USD mỗi giờ.

Trevor – một cậu bé đến từ gia đình làm ngân hàng và bất động sản, là thành viên của đội bóng đá cạnh tranh gay gắt trong trường tư. Cậu phải luyện tập đến 10 giờ tối và thường chỉ có thể đi ngủ lúc nửa đêm. Nếu biểu hiện không tốt trên sân, cậu khiến cha mình cảm thấy xấu hổ và sẽ bị chỉ trích nặng nề.

Áp lực học tập cao độ, luyện tập thể thao và tham gia các giải đấu đã khiến giấc ngủ trở thành một thứ xa xỉ. Trong trường, thường xuyên có học sinh vì mệt mỏi mà mất kiểm soát cảm xúc, thậm chí khóc nức nở.

Việc dành quá nhiều thời gian cho thể thao cũng khiến cơ thể các em bị bào mòn. Một số học sinh bị thương vĩnh viễn ở vai do chơi quần vợt, số khác do tập luyện quá mức mà xương cổ tay đã trở nên yếu ớt, dễ bị gãy.

Bí mật đằng sau cánh cửa nhà giàu: Cuộc sống học tập căng thẳng của những đứa trẻ

– Áp lực từ gia đình và sự kỳ vọng

Trong số những học sinh mà Bryce dạy, cậu bé Alex 16 tuổi, có cả cha mẹ đều tốt nghiệp từ Đại học Pennsylvania, mong muốn cậu vào Đại học Harvard hoặc Yale.

Để dành thời gian cho thể thao, mọi bài tập về nhà của Alex đều do gia sư đảm nhận, mọi khía cạnh trong cuộc sống của cậu đều được quản lý chặt chẽ, phòng có người dọn dẹp, quần áo sạch sẽ được xếp gọn gàng trong tủ, cậu chưa bao giờ phải ra ngoài mua đồ ăn.

Có vẻ như, những đứa trẻ này được cha mẹ lên lịch sẵn cho cuộc đời. Nhưng thực tế, một khi thoát khỏi cha mẹ và lịch trình dày đặc, chúng lại dễ dàng bị cuốn vào các “chất gây nghiện” như trò chơi điện tử, thuốc lá điện tử, rượu…

Cậu bé Alex 16 tuổi không chỉ hút cần sa mà còn được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.

Dù vậy, đối với các gia đình giàu có, dường như những điều này không phải là vấn đề lớn, miễn là con cái vẫn trên con đường đến các trường Ivy League, mọi thứ khác đều không quan trọng.

– Áp lực học tập và sức khỏe tâm thần

Dưới áp lực cạnh tranh toàn cầu trong giáo dục, nỗi lo lắng của con cái nhà giàu thường thể hiện rõ ràng hơn, đó là phải vào được một trường Ivy League hàng đầu.

Những trường như Harvard, Yale, Princeton (gọi tắt là HYP) trong mắt của các bậc phụ huynh giàu có là bảo đảm cho sự đầu tư vào giáo dục. Nếu có thể vào được trường này, chứng tỏ thời gian và tài nguyên mà cha mẹ bỏ ra đã có hiệu quả.

Đó cũng là tài sản khoe khoang tuyệt vời, bởi không có gì đáng tự hào hơn việc con cái được nhận vào các trường hàng đầu.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại bỏ qua một yếu tố quan trọng trong con đường đến thành công, đó là sức khỏe tâm thần.

Trong số những học sinh mà Bryce dạy, có những em đã phải nghỉ học vì tình trạng sức khỏe tâm thần không tốt, còn một số khác thì gặp phải trầm cảm nặng và rối loạn lưỡng cực khi vào đại học.

Ngoài ra, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt thường mang tâm lý “sống còn”. Chính tâm lý “chỉ có thể thắng, không thể thua” đã khiến một số gia đình giàu có không ngần ngại vi phạm pháp luật, thuê người thi hộ cho con, hối lộ huấn luyện viên thể thao của trường đại học và làm giả điểm số của con, dẫn đến việc bị bắt giữ.

Có vẻ như, sự giàu có mang lại cho con cái nhà giàu nhiều nguồn lực vô tận, nhưng cũng gia tăng rủi ro trong quá trình trưởng thành của chúng.

Bryce từng tìm hiểu hồ sơ của học sinh trên LinkedIn và nhận thấy rằng, hầu hết học sinh mà cô dạy đều theo bước chân của cha mẹ, như làm nhà phân tích tại ngân hàng hoặc công ty công nghệ tài chính, rất ít người chọn con đường khác.

Cô cảm thán rằng, mặc dù nhiều gia đình đã rất giàu có, có thể đảm bảo con cái không phải lo lắng về tiền bạc nhưng rất hiếm cha mẹ khuyến khích con theo đuổi nghề nghiệp mà chúng mơ ước.

Để lại phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *