- Tháng mười một 15, 2024
Con đem về 25 nghìn nói là tiền “công sức mồ hôi”, bà mẹ Hà Nội biết nguồn gốc mà “sang chấn”
Một bà mẹ ở Hà Nội mới đây “tá hoả” khi con trai đang học lớp 7 cầm về 25 nghìn đồng. Đây là sự việc “bất thường” bởi chị chưa từng cho con tiền ăn quà vặt. Hỏi mới biết thì ra con kiếm tiền bằng cách đi mua, bán quà vặt thuê giúp các bạn trong lớp để kiếm 2-5 nghìn đồng 1 lần. “Con bảo là các bạn viết đồ ăn ra, con sẽ đi mua xong về bạn trả công. Bạn cho gì con cũng không ăn vì ngại, sợ ăn rồi không có tiền mua mời lại. Con tích cóp được 25 nghìn, bảo đó là tiền công sức mồ hôi của con kiếm được vì mẹ không bao giờ cho con tiêu tiền ở trường. Ở lớp, mỗi bạn đi học đều được bố mẹ cho từ 20 nghìn đồng tới 100 nghìn đồng tùy gia cảnh”, bà mẹ chia sẻ.
Chị thắc mắc không biết liệu sau chuyện này có nên cho con tiền tiêu vặt hay không?
Có nên cho con tiền đi học hàng ngày?
Nhiều người nhận xét, con của bà mẹ này nhanh nhẹn, lanh lợi có tính tự lập. Con là 1 đứa trẻ ngoan. Con hiểu chuyện, biết kiếm tiền bằng sức lao động của mình, lại biết tiết kiệm. Con sẽ biết vất vả như nào để kiếm từng đồng một.
Họ cũng đồng tình việc không cho con tiền khi đi học. Trên thực tế, con trẻ mua gì, ăn gì ở ngoài phạm vi gia đình cha mẹ sẽ không kiểm soát được. Hãy nghĩ đến thuốc lá điện tử, chất độc hại trá hình dưới hình thức kẹo đẹp mắt. Chưa kể đến các loại bánh kẹo thạch, chân gà toàn tẩm hóa chất. Tốt nhất con muốn ăn gì bố mẹ mua cho con mang đi, hoặc về nhà ăn cũng không muộn. Bên cạnh đó, để con khó khăn một chút con sẽ chăm chỉ và “động não” hơn.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng, trẻ con cũng có nhu cầu tiêu vặt. Việc con kiếm tiền từ bạn bè bằng sức lao động của mình cũng không sai nhưng không nên cổ vũ suy nghĩ đó khiến con trở nên thực dụng, giúp đỡ ai cũng chỉ nghĩ đến tiền. Chưa kể, quá sa đà vào việc kiếm tiền có thể ảnh hưởng việc học.
Cho con tiền tiêu vặt không có gì sai. Bố mẹ có thể cho con làm việc nhà, điểm cao thì tặng sao cho con. Đủ sao thì đổi thành tiền. Để con quá thiếu thốn con sẽ tự ti, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách của con.
Một người kể, con của cấp trên mình không được bố mẹ cho tiền dù nhà rất giàu. Thấy các bạn cùng lớp xung quanh cứ ăn quà vặt, bản thân mình thì không, cháu nảy sinh ý định ăn trộm tiền của người giúp việc. Lên văn phòng của ba còn lấy tiền nhân viên, bị camera ghi lại. Cho con tiền cũng là một cách để dạy con tiêu tiền, quản lý tài chính.
“Mình vẫn cho con tiền tiêu vặt, dạy con cách tiêu tiền, kiếm tiền, quí trọng đồng tiền chứ k để con thiếu thốn. Con tiêu gì cần ghi chi tiết lại, giới hạn số tiền được tiêu và nhịn nếu tiêu hết số tiền đã cho. Việc nhà con đều phải làm và không được trả công vì con là thành viên trong nhà chứ không phải làm thuê. Còn lại con giúp gì, làm gì tốt mình sẽ thưởng một ít để con tiết kiệm”, một bà mẹ chia sẻ.
Nếu cho con tiền, điều vô cùng quan trọng đó là bố mẹ nên dạy con các kiến thức tài chính cơ bản như ý thức tiết kiệm tiền, mua sắm vừa phải không lãng phí, mua sắm những món đồ thực sự cần thiết và thiết lập ngân sách. Có thể dạy con về cách theo dõi, ghi chép chi tiêu. Để việc này trở nên hấp dẫn hơn, bố mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng một chiếc sổ xinh xắn để ghi chép. Khuyến khích con tiết kiệm một phần tiêu tiêu vặt mỗi tuần để dành cho những mua sắm lớn hơn, những món đồ con thích có giá trị lớn trong tương lai.
- Nguồn:
- LINK