- Tháng mười hai 1, 2024
Đình Collective: Nhóm sáng tạo đi giao sticker thì bỗng được “chọn” vào dự án khủng của Hà Nội, oách nhất là thấy tác phẩm phủ kín Tràng Tiền
Có 1 sự thật, Gen Z hiện tại đang “phải lòng” xu hướng tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo vào cuối tuần. Sau mỗi tuần học tập và làm việc căng thẳng, ai cũng muốn trở thành “cô gái/chàng trai thư giãn”, nhưng vừa thư giãn lại vừa tìm hiểu được nhiều thứ hay ho thì 10 điểm không có nhưng.
Đây cũng là lý do mà Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 được tổ chức vào tháng 11 vừa qua thu hút sự chú ý của công chúng. Từng dòng người háo hức hướng về các địa điểm diễn ra lễ hội, sẵn sàng xếp hàng để được chiêm ngưỡng những không gian kiến trúc xưa cũ được “đánh thức” qua lăng kính nghệ thuật và thiết kế hiện đại, để tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị,…
Suốt thời gian diễn ra, bộ nhận diện của lễ hội đã khoác một “tấm áo mới” có màu sắc sặc sỡ lên các địa điểm tổ chức như Cung Thiếu nhi, phố Tràng Tiền,… Tất cả tạo nên không khí tưng bừng chưa từng có.
Hà Nội mang không khí lễ hội tưng bừng trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024
Có thể bạn đã biết, nhưng có thể vẫn chưa, rằng là: Đình Collective cùng các đối tác sáng tạo là nhóm trẻ đứng sau loạt nhận diện mới của sự kiện.
Họ gồm 15 người cùng hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo, cùng có chung đam mê thổi vào những điều xưa cũ nét màu sắc hiện đại. Hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với họ để xem họ đã đến với hành trình này như thế nào nhé!
Chào Đình Collective và các đối tác sáng tạo,
Các bạn đến với cơ hội thay đổi bộ nhận diện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo như thế nào?
Nhật Ánh: Nguồn cơn bắt đầu vào năm ngoái. Lúc đó bọn mình làm bộ sticker tên Tuổi Hồng và đi ship cho khách thì một trong số đó là con của chị Hương – Phó Tổng Biên tập Tạp chí kiến trúc. Bạn ấy bảo với mẹ: “Con thấy bên này làm cũng hay lắm” và thế là cơ hội đến với bọn mình.
Sau đó 2 bên trực tiếp làm việc với nhau, câu chuyện không chỉ là thông qua giới thiệu vu vơ nữa. Trong quá trình tìm hiểu, bọn mình thấy có thể làm tốt hơn được năm trước ở nhiều thứ trong bộ nhận diện như font chữ, mascot hay hệ màu sắc chia theo hoạt động,…
Bài toán mà các bạn nhận được từ BTC là gì? Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong bao lâu?
Quân Lê: Từ lúc nhận đề bài của BTC đến khi lễ hội kết thúc là khoảng 3 tháng. Còn thời gian thực thi thực tế thì ngắn hơn rất nhiều.
Việc tổ chức một lễ hội, nhất là lễ hội liên quan đến sáng tạo và thiết kế chưa bao giờ đơn giản. Nó là quy trình phức tạp ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả nước phát triển. Ở Việt Nam, lễ hội được tổ chức chưa quá được 5 mùa, dù mọi người có chuyên nghiệp đến đâu vẫn gặp rất nhiều vấn đề. Vấn đề đến từ khâu trao đổi giữa phòng này đến ban kia, từ phía bọn mình là làm thế nào để cân bằng công chúng với cái tôi của đội ngũ thiết kế,…
Và một vấn đề khác cần nhấn mạnh là dù thiết kế thế nào vẫn phải trông giống một lễ hội. Bọn mình xác định lại tệp khách hàng thực sự của lễ hội, những người tận hưởng bộ thiết kế này nhiều nhất là người trẻ – những người đang rất cần nguồn cảm hứng về sáng tạo và thiết kế. Từ nhận diện cũ, bọn mình thổi vào đấy một không khí mới để trông lễ hội, tưng bừng rực rỡ và trẻ trung hơn.
Nói cụ thể hơn về bộ nhận diện và đầu tiên là logo chú chim non, ý nghĩa của hình ảnh này là gì?
Thuỷ Nguyễn: Logo chú chim non được lấy cảm hứng từ logo của Cung Thiếu nhi trong một lần bọn mình đi khảo sát. Hình ảnh chú chim non thể hiện rất nhiều điều và ý nghĩa mà bọn mình muốn làm sáng tỏ nhất là về tuổi thơ, về sự sáng tạo từ bên trong các bạn trẻ. Từ khi chúng ta còn là trẻ con, một trong những hình được vẽ nhiều nhất và sớm nhất chính là chú chim nên bọn mình mong nó thể hiện được sự sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của lễ hội năm nay.
Về font chữ Hanoi Grotesk được làm riêng cho dự án này, nó có gì đặc biệt và tại sao lại được đặt tên như thế?
Dương Trần: Khi tìm hiểu kỹ hơn về dự án, mình được nghe về concept “Giao lộ sáng tạo” và cảm thấy từ giao lộ rất hay. Dựa vào đó, mình làm một font chữ thể hiện tinh thần này là sự giao thoa giữa cũ – mới, giữa công nghệ – con người, đặt tên là Hà Nội Grotesk. Với người không làm nghề, font chữ này có thể bình thường, có khi họ còn nhầm sang font Arial hay Helica. Nhưng mình tin rằng khi nó được ứng dụng rộng rãi và ở mọi nơi của lễ hội thì tự nhiên sẽ khiến người ta tò mò là nó được làm thế nào, tại sao lại làm như thế,…
Cái tên Hanoi Grotesk là ý của anh Ánh. Ban đầu mình muốn tránh dùng từ Hà Nội vì sợ hơi đao to búa lớn. Bản thân một font chữ không thể bao trùm được Hà Nội nhưng việc thêm Grotesk – được hiểu là kỳ cục, lạ lùng – ở sau chữ Hà Nội lại trở nên hợp lý, giống như giới thiệu cái mới đến với thành phố, đúng tinh thần đổi mới của lễ hội.
Thiết kế nhận diện là một chuyện còn đưa nó thành bản web lại là chuyện khác. Là người thiết kế và phát triển web, bạn giải quyết đề bài này ra sao?
Cody (Tiến Đạt): Sau một thời gian làm việc ở cả góc độ designer và developer web mình cảm thấy việc giao tiếp giữa 2 bên đôi khi là một trở ngại. Bởi vậy, từ khi nhận ra mình có thể làm được cả 2 thì mình làm luôn nên không có nhiều chia sẻ trong cách làm.
Với website của Lễ hội thiết kế sáng tạo, vấn đề duy nhất là thời gian khá gấp. Mình chỉ có khoảng 2 tuần rưỡi trước khi lễ hội chính thức bắt đầu. Nhưng chính sự gấp đó đã trở thành kỉ niệm đáng nhớ với mình.
Điều quan trọng nhất mà các bạn muốn gửi gắm thông qua bộ nhận diện này?
Quân Lê: Có một tư tưởng nói thì rất dễ còn thực hành lại khó là chịu đổi mới. Với một nghề sáng tạo như thiết kế, sự đổi mới lại càng quan trọng hơn và đó cũng là tinh thần mà bọn mình đã thuyết phục BTC thành công. Đây không phải là nỗ lực 1 chiều mà BTC đã nhìn thấy và cảm nhận được sự thay đổi này hợp lý.
Bọn mình muốn cho thấy một dự án do các cơ quan nhà nước xúc tiến vẫn có thể trông tưng bừng, trẻ trung và sôi động đến vậy. Điều này quan trọng để những thế hệ sau có động lực để cống hiến nhiều hơn cho các dự án khác có tính xã hội, có tính phát triển thẩm mỹ của quốc gia.
Các tuyến phố ở khu vực trung tâm như Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng,… được tô điểm rực rỡ
Điều các bạn cảm thấy oách nhất khi lễ hội khép lại và bản thân đã góp sức vào sự thành công của lễ hội?
Nhật Ánh: Đó là khoảnh khắc khi mọi người dựng lên những tấm pano hay treo phướn ở ngoài đường và thấy bộ nhận diện mà bọn mình làm được trưng bày ở tất cả mọi nơi. Mình đã chụp và up lên Instagram, Facebook để khoe với tất cả mọi người.
Cùng với đó, việc kêu gọi được một team lớn tới 15 người từ các công việc liên quan để tham gia dự án, với Đình Collective nói chung và các thành viên studio nói riêng cũng là một thứ rất oách.
Quân Lê: Năm nay mình 30 tuổi nhưng không nhớ nổi trong 30 năm đấy đã bao giờ nhìn thấy quận Hoàn Kiếm, nhất là đoạn Tràng Tiền trông nó funky như thế chưa. Với mình, đó là một cái khá oách rồi.
Thuỷ Nguyễn: Mình cảm thấy tự hào nhất là khi mọi người yêu thích mascot chú chim non.
Dương Trần: Đây có thể nói là một dự án đầu tiên mà font chữ của mình được dùng ở quy mô lớn, theo cách rất to, rất mạnh và tạo nên hiệu ứng tốt. Đặc biệt hơn nữa, nó là một font chữ khá bình thường nên càng vui hơn khi mọi người dùng được một thứ đơn giản theo cách mạnh mẽ như vậy.
Cody: Lễ hội có quy mô lớn nên nhiều khi tạo áp lực làm website là phải cho nó đủ lớn, đảm bảo nhiều người truy cập vẫn mượt mà. Bên cạnh đó có người dùng dễ chiều và có người khó tính thì mình làm sao để cho tất cả vào đều nắm được thông tin tốt nhất có thể.
Thế Huy: Đó là khi thấy được các thiết kế của bọn mình hình thành dần dần, từ khi không có gì đến lúc có draft và cuối cùng là được ứng dụng lên các pano, áo đồng phục và tương tác với nó. Cảm giác rất vui!
Một số thành viên khác trong dự án gồm: Lan Đào, Duy Anh, Tạ Sơn Quỳnh, Tân Tân
Quay lại câu chuyện của Đình Collective, các bạn bắt đầu như thế nào?
Nhật Ánh: Trước khi quyết định lập Đình Collective, mình đã có nhiều năm làm việc trong ngành thiết kế đồ hoạ, ở nhiều vị trí và nhiều công ty. Mình nhận ra sáng tạo nên xuất phát từ yêu thích, đam mê chứ không chỉ là cố gắng làm đúng mong muốn của khách hàng hay yêu cầu từ công ty. Tất nhiên thiết kế vẫn phải đảm bảo những yếu tố đó, phải có sự trao đổi giữa người làm thiết kế và khách hàng nhưng công việc phải có niềm vui thì mới tiếp tục được. Năm 2022, mình lập ra Đình Collective.
Mong muốn ban đầu của mình, đây là một sân chơi để mọi người có thể thoải mái làm việc với nhau, không có sự phân cấp leader – nhân viên, không đi theo mô hình agency truyền thống mà tất cả là đối tác của nhau trong công việc. Thời gian đầu hầu hết các dự án mình nhận về làm một mình, về sau mới “co-work” với các đối tác sáng tạo. Trước khi Huy và Thuỷ đến với studio thì mình làm việc cùng một Design Assistant (Trợ lý thiết kế) là Minh Khiêm.
Ngoài việc được tự do sáng tạo, đâu là giá trị cốt lõi mà Đình Collective luôn theo đuổi?
Nhật Ánh: Sau những trải nghiệm công việc, bọn mình nhận ra rằng để phân biệt sản phẩm của một tổ chức thiết kế/ nhà thiết kế trong nước với nước ngoài thì tính văn hoá, tính Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng. Bọn mình đang là người trẻ, có suy nghĩ táo bạo, nghịch ngợm nên tính Việt Nam trẻ, tính đường phố sẽ đúng nhất với Đình Collective.
Tên Đình Collective được giải thích liên quan đến hình ảnh sân đình trong ký ức văn hoá Việt: nơi hội ngộ, giao lưu văn hoá,… Ý tưởng này đến với các bạn thế nào?
Nhật Ánh: Mình sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng ở Hà Nội. Từ bé, những ký ức và trải nghiệm của mình về sân đình là nơi mọi người ra tụ tập với nhau, người lớn uống chén trà cốc nước còn trẻ con chơi đánh quay, bắn bi, ném lon,… Mình rất thích việc mọi người sinh hoạt cùng nhau như thế.
Đến khi đi làm, mình được làm việc với những người không phải là designer nhưng có liên quan đến công việc của mình như hoạ sĩ minh hoạ, phát triển web,… Mọi người làm việc cùng nhau, kết hợp và đưa ra một quyết định cuối cùng, hoàn thành một dự án. Tinh thần ấy tương tự như sân đình mình thấy hồi bé nên quyết định đặt tên là Đình Collective.
Tại sao dấu huyền của Đình lại nằm ngang mà không phải nằm chéo?
Nhật Ánh: Việc branding, nhất là dùng tiếng Việt đang gây ra nhiều hạn chế ở môi trường digital hiện tại. Khi mình gõ “Đình” trên Google sẽ ra nhiều địa điểm vật lý như đình ở Long Biên, đình ở những phố khác. Mình không muốn điều đấy. Bản thân là người làm sáng tạo, mình muốn chữ “Đình” khác đi nên thay bằng dấu macron (dấu trường âm).
Tuy nhiên điều này gây ra một số bất cập. Một số người chưa biết đến Đình Collective dễ bị nhầm lẫn thành Đĩnh Collective hay Đỉnh Collective. Hiểu lầm này hoàn toàn vô tình chứ không có dụng ý gì.
Với cách xây dựng thương hiệu và câu chuyện cốt lõi như vậy, dường như các bạn đã tự đóng gói giá trị trước khi đem “bán” cho khách hàng, chứ không phải ai đặt gì thì làm đó. Làm vậy có phải là đang tự giới hạn khách hàng tìm đến với mình không?
Nhật Ánh: Có lẽ là có. Một phần là vì quy mô của bọn mình chưa lớn, là tổ chức mới và ít người. Một phần là khi khách hàng tìm đến, bọn mình phải có sự cân nhắc và sàng lọc để xem dự án đó có thực sự phù hợp không để tránh mất thời gian cho cả 2 bên. Bởi lẽ từ 2 phía phải có chung tinh thần, chung điều gì đó và bọn mình thấy có thể phát huy thế mạnh mới dám nhận chứ không thể cái gì cũng làm nhận được.
Có một thứ áp lực vô hình với người làm sáng tạo là sự phán xét, chấm điểm từ công chúng. Các bạn đối mặt với chúng theo tâm thế nào?
Thế Huy: Như đợt lễ hội vừa rồi, may mắn là công chúng có cảm xúc khá tích cực với bộ nhận diện năm nay. Còn trong trường hợp không tích cực, mình sẽ đón nhận những góp ý chân thành và rút kinh nghiệm trong các dự án tiếp theo.
Thuỷ Nguyễn: Khen – chê là chuyện không thể tránh vì mỗi người là một cá thể khác nhau. Thế nên có người khen thì vui còn có người chê thì mình đón nhận một cách tích cực. Cùng với đó là tìm hiểu tại sao họ thấy nó chưa đẹp và mình có thể thay đổi thế nào để tốt hơn.
Nhật Ánh: Khi một thiết kế ra mắt công chúng, chắc chắn sẽ có người thích và không. Nhưng đến lúc đấy bọn mình không can thiệp được gì vì bản thân sản phẩm đó đã tự có đời sống riêng.
Thiết kế giống như làm dâu trăm họ, không thể nào làm hài lòng hết tất cả mọi người được và mình đã trải qua việc khen chê rất nhiều. Ngày xưa được khen là sướng mất ngủ mà bị chê cũng mất ngủ luôn, dằn vặt xem tại sao lại như thế, mình làm chưa tốt ở đâu. Dần dần mình làm quen việc đấy và đối mặt với lời khen chê theo cách thoải mái hơn, tích cực hơn.
Vì sao Đình lại chọn đi theo hướng tô đậm hình ảnh văn hoá Việt Nam giữa rất nhiều lựa chọn khác?
Nhật Ánh: Thực ra lúc đầu mình chỉ tập trung làm thế nào để sản phẩm của mình tốt hơn, trông Việt Nam hơn chứ không chủ đích cụ thể. Về sau, mọi thứ mới dần liên kết với nhau và hình thành nên như bây giờ.
Sử dụng và phát huy yếu tố văn hoá là 1 hướng đi hấp dẫn nhưng cũng lắm chông gai vì những điều liên quan đến văn hoá đều cần chính xác?
Nhật Ánh: Đúng. Nhưng ngay từ giai đoạn nghiên cứu, bọn mình đã có tính chọn lọc rồi. Bọn mình không tập trung vào một thứ sẵn có mà sẽ cố gắng nhìn rộng ra, không chỉ dừng lại trong mảng thiết kế. Ví dụ một dự án muốn sử dụng hoa văn trống đồng, bọn mình không dừng lại ở việc nghiên cứu hoa văn đó mà tìm hiểu tất cả những nền văn hóa ở gần đấy và dung hoà các yếu tố lại với nhau. Tất nhiên hoa văn đó vẫn là tiền đề, làm cảm hứng thiết kế nhưng không copy y nguyên và không làm mất đi giá trị cốt lõi của yếu tố văn hoá truyền thống.
Thủy Nguyễn: Đối với mình, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam càng nhiều thì khả năng sai càng ít đi, càng làm cho nó tốt hơn.
Có người cho rằng việc sử dụng yếu tố văn hoá truyền thống trong thiết kế hiện đại có thể gặp vấn đề về bản quyền hoặc biến tướng. Đó có là điều mà Đình lo ngại?
Nhật Ánh: Bọn mình thực sự quan tâm đến vấn đề bản quyền trong thiết kế sáng tạo. Ở mỗi dự án của bọn mình, bản quyền hay giấy phép sử dụng hình ảnh, font chữ,… là vấn đề luôn rõ ràng. Ví dụ nếu khách không đủ chi phí mua bộ font mới thì bọn mình đề xuất sử dụng những bộ miễn phí, hợp pháp. Bọn mình cũng mong mọi người quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh vấn đề bản quyền, nhất là bản quyền tài nguyên số ở trong nước vẫn còn bị xem nhẹ.
Không chỉ Đình mà ngày càng có nhiều người trẻ tự tin thể hiện rõ tiếng nói văn hoá qua đam mê, công việc mình theo đuổi một cách mạnh mẽ và sôi động. Theo các bạn, từ đâu mà mọi người lại có sự thay đổi này?
Thủy Nguyễn: Năng lượng này liên quan đến tinh thần yêu nước. Bản thân bọn mình chỉ là những người trẻ, trước đây có nhiều thứ mà hồi đi học chưa được tiếp xúc quá nhiều. Bây giờ lớn lên, có nhiều trải nghiệm rộng rãi hơn về lịch sử văn hóa, về không gian địa điểm ở Việt Nam, mình mới tự hỏi: “Tại sao ngày xưa mình lại không được biết những thứ đó?” và bắt đầu tìm hiểu về nó. Đó không chỉ là câu chuyện của bản thân mà mình nghĩ các bạn trẻ khác cũng đang muốn tìm hiểu về đất nước, về nơi họ sinh ra và vận dụng đưa vào công việc giống như mình.
Nhật Ánh: Sau khi đi làm ở nhiều vị trí và được tiếp xúc với nhiều người, cả những người không ở trong ngành sáng tạo, mình mới nhận ra Việt Nam có nhiều cái hay.
Từ truyền thuyết, sự tích xa xưa đến phong cách nghệ thuật sau này; từ nghệ sĩ truyền thống hay đương đại, tất cả đều rất đẹp. Khi đặt tất cả trên một bản đồ, có thể thấy rõ được phong cách và thẩm mỹ rất riêng, rất Việt Nam. Và đó là điều quan trọng mà bọn mình muốn theo đuổi, dù sao thì tất cả mọi người ở đây cũng đều là người Việt Nam.
Vậy vai trò của các bạn trên “bản đồ” đó là gì?
Nhật Ánh: Bọn mình không có ước mơ gì cao xa hay quá vĩ mô. Chỉ là niềm yêu thích với những cái gắn liền với bọn mình từ nhỏ, quen thuộc và đem dung hòa nó với yếu tố thẩm mỹ Việt Nam để làm cho nó mang màu sắc mới mẻ, tinh nghịch hơn. Nếu may mắn thì có thể tạo cảm hứng cho các nhà thiết kế trẻ khác còn không thì có thể dựa vào đó để đối chiếu với sản phẩm ở các nước trong khu vực và trên quốc tế để thấy được Việt Nam mình cũng oách mà, cũng xịn mà!
Cảm ơn các bạn đã chia sẻ!
- Nguồn:
- LINK