• Tháng mười 16, 2024

Họp lớp có 25 người nhưng 51 người đi ăn tiệc, lớp trưởng rút ví bao hết nhưng tôi quyết định rời nhóm chat

Họp lớp có 25 người nhưng 51 người đi ăn tiệc, lớp trưởng rút ví bao hết nhưng tôi quyết định rời nhóm chat

Buổi họp lớp bất ổn

“Làm sao có thể! Lớp mình chỉ có 25 người xác nhận đi họp lớp nhưng sao lại có 51 người tới dự vậy?” – tôi thốt lên sau khi nghe thông báo từ lớp trưởng.

Là một trong những người khởi xướng buổi họp lớp này, tôi vô cùng bối rối. Sau khi mở nhóm chat và kiểm tra lại một lần nữa, số người báo tham gia vẫn là 25 nhưng danh sách đăng ký lại lên đến 50 người. Con số gần gấp đôi này ở đâu ra? Hơn nữa chúng tôi đã thống nhất rằng chi phí cho buổi họp mặt này sẽ chia đều cho 25 người, bây giờ xuất hiện thêm nhiều “người thừa” như vậy thì phải tính toán thế nào đây?

“26 người kia ở đâu dư ra vậy?” – tôi tiếp tục hỏi lớp trưởng.

“Ồ, cậu không phải lo đâu. Một số người nhiệt tình bảo sẽ mang theo người nhà và bạn bè, họp lớp thế này càng đông càng vui thôi” – lớp trưởng bình tĩnh nói.

Tôi nhíu mày: “Nhưng chi phí là chia đều, mang theo nhiều người như vậy thì tính toán thế nào? Không lẽ lại chia cho cả những người đi kèm à?”.

“Đừng lo lắng. Tôi sẽ nói chuyện này với mọi người sau và bạn học của chúng ta cũng đều là người ý tứ cả mà. Chưa kể lần này tôi là người phụ trách nên nhất định sẽ xử lý ổn thỏa!” – lớp trưởng trấn an tôi.

Cúp máy nhưng trong lòng tôi vẫn không thể bình tĩnh. Tuy lớp trưởng có vẻ thoải mái nhưng mọi người thì sao? Liệu chi phí tăng lên đột ngột có khiến họ khó chịu không? Suy cho cùng thì không phải ai cũng sẵn sàng chi tiền cho những “người nhà”xa lạ kia.

Vào ngày tổ chức tiệc, nhìn từng người lần lượt đến mà nỗi lo của tôi càng tăng lên. Lớp trưởng và vợ đến sau tôi, nhiều người khác cũng dắt theo người thân và bạn bè. Có người đưa cả vợ cùng 2 con đến, có người lại đi họp lớp với 2 người bạn khác. Bữa tiệc họp lớp bỗng dưng trở thành cuộc tụ họp của gia đình và bạn bè.

Họp lớp có 25 người nhưng 51 người đi ăn tiệc, lớp trưởng rút ví bao hết nhưng tôi quyết định rời nhóm chat- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Cách xử lý nhuốm màu kinh tế của lớp trưởng

Không khí dần dần trở nên náo nhiệt, tiếng chạm cốc, tiếng bát đũa và tiếng cười nói vang lên không ngớt. Dù luôn tươi cười nhưng trong lòng tôi cảm thấy không thoải mái, ngay từ đầu bữa tiệc này đã đi chệch hướng, đó không còn là buổi gặp mặt ôn lại kỷ niệm xưa nữa.

Đúng lúc này, lớp trưởng đứng lên phát biểu: “Hôm nay là một ngày tốt lành khi chúng ta được tụ họp với nhau. Ngoài các bạn cũ, tôi rất cảm ơn mọi người đã mang theo gia đình, bạn bè đến buổi gặp mặt hôm nay, khiến cho sự kết nối của chúng ta được mở rộng hơn, tình cảm gắn bó hơn. Nào mọi người, chúng ta cùng nâng ly vì hôm nay, vì tình bạn này!”.

Sau khi màn nâng ly và tiếng vỗ tay dịu xuống, lớp trưởng nói tiếp: “Mọi người thân mến! Tôi cũng hiểu có một vấn đề khiến nhiều người ái ngại là chi phí của buổi họp lớp. Trước đó chúng tôi đã thống nhất chia đều cho 25 người, nhưng có người đến đây một mình có người lại đi cùng người nhà. Quả thực nếu cứ chia đều thì có chút không thoả đáng với mọi người.

Hôm nay là một ngày đặc biệt và chúng ta không nên vì chuyện này mà khiến bầu không khí nên khó xử. Vì vậy tôi đề xuất thế này, 25 người vẫn cứ sẽ chia sẻ chi phí theo kế hoạch ban đầu, còn toàn bộ người thân và bạn bè đi cùng sẽ do tôi dùng tiền cá nhân để chi trả. Nếu đồng ý mọi người hãy cho một tràng pháo tay thật lớn nhé!”.

Ngay lập tức toàn bộ mọi người vỗ tay nồng nhiệt. Tôi không nói nên lời, vừa cảm kích vừa thấy bất lực.

Sau khi bữa tiệc kết thúc, tôi chuẩn bị ra về thì lớp trưởng đến vỗ vai tôi cười nói: “Hôm nay khá sôi nổi phải không? Cũng coi như họp lớp thành công rồi nhỉ?” . Tôi vẫn có chút bối rối nên không đáp mà hỏi ngược trở lại: “Hôm nay cậu đột nhiên đòi trả tiền cho mọi người là có ý định từ trước đó đúng không?” .

Lớp trưởng cười: “Tôi làm vậy chỉ vì muốn giữ không khí vui vẻ thôi. Cậu nghĩ xem, mọi người hiếm khi tụ họp mà cứ phải tranh cãi chuyện tiền nong, ai trả nhiều hơn – ai trả ít hơn, ai dẫn người nhà đi cùng – ai không thì sẽ rất khó xử đúng không?”.

Quả thực lớp trưởng đã xử lý chuyện này rất đàng hoàng nhưng tôi vẫn thắc mắc: “Nhưng vẫn thiệt thòi cho cậu. Số tiền lần này cũng không hề nhỏ…”.

“Thôi đừng nhắc chuyện tiền bạc nữa, ra ngoài gặp gỡ bạn bè là để vui vẻ, cứ tính tiền làm gì. Hiện tại tôi đang kinh doanh nhỏ, cũng có một chút gọi là chia vui với mọi người, không có gì to tát cả” – lớp trưởng xua tay.

“Vậy thì mỗi lần chúng ta gặp nhau sau này cũng sẽ thế này hay sao? Lần này anh đứng ra gánh trách nhiệm nhưng lần sau nếu đông người như vậy chúng tôi cũng không thể để anh thiệt thòi được” – một người bạn khác của chúng tôi ngồi gần đấy nghe được câu chuyện của chúng tôi liền bày tỏ.

Lúc này lớp trưởng chỉ cười lớn bảo lần sau thì để lần sau tính rồi chào chúng tôi ra về.

Họp lớp có 25 người nhưng 51 người đi ăn tiệc, lớp trưởng rút ví bao hết nhưng tôi quyết định rời nhóm chat- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Cuộc trò chuyện sau bữa tiệc và quyết định lặng lẽ

Sau khi rời nhà hàng, tôi và người bạn kia đã thảo luận về buổi họp lớp nhưng tâm trạng lại có chút nặng nề. Người đó đột nhiên hỏi tôi: “Cậu có thấy bữa tiệc hôm nay kỳ lạ không?

“Lạ chỗ nào?” – tôi hỏi.

“Ban đầu là họp lớp để gặp mặt bạn cũ nhưng chúng ta lại dành phần lớn thời gian để nói chuyện về con cái, gia đình. Thậm chí tôi còn không biết một số bạn bè mà mọi người mang đến. Tôi vẫn nhớ lần tụ họp trước chúng ta đã nói về thời đi học, trêu chọc lẫn nhau nhưng bây giờ không còn ai quan tâm đến những chuyện này nữa”.

Tôi im lặng gật đầu. Quả thực bữa tiệc hôm nay có vẻ sôi động nhưng tôi luôn cảm thấy lạc lõng, như người ngoài cuộc vì các câu chuyện đều xoay quanh người nhà.

Người bạn kia tiếp tục: “Thành thật mà nói, tôi rất mong chờ buổi tụ tập này vì 2 – 3 năm nay đã không gặp mọi người. Nhưng nhìn cảnh tượng hôm nay, tôi có chút thất vọng. Đặc biệt là hành động của lớp trưởng khiến tôi thấy không thoải mái”.

“Tại sao?” – tôi hơi ngạc nhiên vì chỉ thấy khó xử cho lớp trưởng, chứ cũng không đến mức khó chịu như người bạn này.

“Cậu ấy tự gánh mọi chi phí phát sinh. Bề ngoài có vẻ hào phóng nhưng thực tế là đang gom hết trách nhiệm về mình. Mọi người có thể khen cậu ấy quá tốt nhưng lần sau thì sao? Họ sẽ thấy đây là chuyện đương nhiên và đẩy hết gánh nặng cho cậu ấy. Theo thời gian, tình cảm bạn bè cũng sẽ dần thay đổi” – người bạn nói.

Suy nghĩ kỹ càng tôi thấy bạn mình có lý. Sự hào phóng của lớp trưởng giải quyết vấn đề trước mắt nhưng nó lại khiến mối quan hệ bạn bè trở nên toan tính hơn. Trước đây, mọi người cùng chia sẻ chi phí, không ai nợ ai cái gì nhưng bây giờ lớp trưởng lại trở thành người ban ơn, liệu có khiến người khác cảm thấy mắc nợ không?

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy tôi thấy thông báo tin nhắn từ nhóm chat lớp. Mọi người thảo luận về buổi họp lớp, ai nấy đều bày tỏ sự thích thú với bữa tiệc và cảm ơn lớp trưởng. Có người cũng nói rằng không thể để lớp trưởng chi trả như vậy, điều đó không công bằng nên lần sau mọi người nên tự giác hơn, không nên đưa người nhà đi cùng hoặc báo trước để thống nhất lại chi phí.

Đúng lúc đó, lớp trưởng bất ngờ gửi một tin nhắn: “Không sao đâu. Tôi chỉ muốn mọi người được vui vẻ. Những lần họp mặt tiếp theo cứ thế mà làm, ai muốn mời gia đình và bạn bè cứ thoải mái. Dù sao chúng ta ra ngoài và gặp mặt là để vui chơi mà”.

Tin nhắn này khiến tôi cảm thấy khó chấp nhận vì họp lớp đã không còn là họp lớp. Ngay sau đó tôi lặng lẽ out khỏi group chat đồng thời chặn thêm lại để không còn phải tham gia kiểu họp lớp mệt mỏi như vậy nữa.

(Nguồn: Baidu)

Để lại phản hồi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *