- Tháng mười hai 19, 2024
“Kiểu người nào sẽ KHÔNG thành công?” Câu trả lời gây tranh cãi dữ dội
Đây là kiểu người sẽ không thành công
Mới đây, một bài viết với tựa đề “Kiểu người nào sẽ không thành công trong đời?” đã viral trên mạng xã hội Threads. Bài viết của chàng trai 25 tuổi, và đó là điều mà anh chàng nhận ra sau khi đọc bài post trên mạng xã hội nước ngoài.
Cụ thể, chàng trai này lý giải cho quan điểm của mình như sau:
“Q: “Kiểu người nào sẽ không thành công trong đời?”
A : “Người trẻ với suy nghĩ phức tạp sẽ khó đạt được điều gì đáng kể.”
Câu trả lời này khiến tôi giật mình. Tôi từng (và có lẽ vẫn) mắc kẹt trong suy nghĩ đó.
“Vì tâm hồn của họ luôn đi trước tuổi”. Họ nhìn thấu bản chất sự việc, nhưng đó lại là con dao hai lưỡi. Càng suy nghĩ sâu, họ càng dễ mắc kẹt trong “cung điện tư tưởng” – nơi mọi thứ trông hoàn hảo trong đầu, nhưng không có gì được thực hiện ngoài đời thực. “Cung điện cũng có thể là nhà tù nếu bạn không tìm được lối ra.”
Bạn có phải kiểu người chìm đắm trong suy nghĩ?
Dấu hiệu nhận biết: Nhiều ý tưởng nhưng không làm gì cả – Lên kế hoạch nhưng không bao giờ bắt đầu – Tự nhủ: “Chờ giỏi hơn rồi mới làm” – Mỗi ngày nghĩ ra một con đường mới nhưng chẳng đi con đường nào.
Nếu bạn thấy mình trong những điều này, thì có lẽ bạn cũng giống tôi.
Tôi từng như thế. Nghĩ về việc viết bài, nhưng sợ: “Liệu có ai đọc không?”. Nghĩ về dự án, nhưng trì hoãn: “Chờ thêm chút cho điều kiện hoàn hảo”. Tôi bận rộn trong suy nghĩ, nhưng ngoài đời thực thì chẳng hoàn thành được gì.
“Bạn biết quá nhiều, muốn quá nhiều, và sợ quá nhiều” – Khi bạn càng biết nhiều, bạn càng nhận ra thế giới này phức tạp hơn bạn tưởng. Kết quả là: Sợ sai (vì biết có những người giỏi hơn mình) – Sợ thất bại (vì muốn mọi thứ phải hoàn hảo) – Sợ bị đánh giá (vì lo lắng người khác sẽ chê cười).
Càng nghĩ nhiều, bạn càng do dự. Càng do dự, bạn càng trì hoãn.
Tôi cũng từng mắc kẹt trong vòng lặp này. Tôi có một công việc tốt, nhưng tôi muốn làm điều lớn hơn, nghĩ đi nghĩ lại suốt hàng tháng trời: Ở lại hay rời đi? – Nếu rời đi, thì làm gì? Liệu có an toàn? Rồi một ngày, tôi nhận ra rằng thời điểm hoàn hảo sẽ không bao giờ đến. Vậy nên tôi dừng suy nghĩ, nghỉ việc và lao vào hành trình mới.
“Nếu bạn cứ chờ kế hoạch hoàn hảo, bạn sẽ mãi đứng yên” – Tôi đã chờ rất lâu, nhưng rồi nhận ra: Thời điểm hoàn hảo không bao giờ đến – Không có con đường nào chắc chắn 100% – Càng suy nghĩ nhiều, càng khó bắt đầu.
Và bài học lớn nhất: Hành động đầu tiên không cần hoàn hảo, nhưng nó cần diễn ra.
Tôi vẫn đang cố gắng phá vỡ vòng lặp này, nhưng đây là những gì đang hiệu quả với tôi:
1. Bắt đầu từ việc nhỏ nhất. (Không cần chọn việc lớn, hãy chọn việc nhỏ nhất).
2. Chỉ tập trung vào bước tiếp theo. (Không cần lo lắng về bước thứ 10.)
3. Chấp nhận rằng lần đầu sẽ xấu xí. (Bản nháp đầu tiên luôn tệ, và điều đó bình thường)
Tôi không dám nói nó dễ dàng, nhưng chắc chắn tốt hơn là ngồi yên 1 chỗ.
Bạn vẫn nghĩ rằng mình cần thêm thời gian để chuẩn bị? Hãy để tôi nói thẳng: Bạn không cần thêm thời gian, bạn cần bắt đầu ngay bây giờ. Nếu bạn vẫn đang chờ đợi một dấu hiệu, thì đây chính là dấu hiệu của bạn.
Nếu bạn thấy mình cũng đang mắc kẹt, hãy chọn một việc nhỏ để làm ngay hôm nay. Không cần hoàn hảo, chỉ cần hành động. Nếu bạn có câu chuyện nào tương tự, hãy chia sẻ ở đây. Biết đâu câu chuyện của bạn sẽ giúp ai đó phá vỡ vòng lặp này. Mỗi ngày, cùng nhau cố gắng hơn 1 chút. Thực tại không dễ dàng, nhưng đừng bao giờ bỏ niềm tin – ở chính bản thân mình. Cố lên!”.
Vì sao quan điểm gây ra tranh cãi dữ đội?
Bên dưới bài viết, đã có rất nhiều bình luận tranh cãi của cộng đồng mạng.
Bên đồng tình thì cho rằng anh chàng đã nói đúng chỗ khi những người trẻ có suy nghĩ phức tạp, sẽ dễ bị rơi vào tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Chính vì suy nghĩ quá nhiều nên họ dễ rơi vào trạng thái lưng chừng, lo sợ bản thân không đủ và không dám thực hiện sớm. Điều này dễ khiến cho những ý tưởng dù hay ho đến đâu, không được thực hiện, thì cũng sẽ fail.
Một số bình luận đồng tình với quan điểm này:
– “Đúng vậy, sau khi nhận ra mình chỉ là một người giỏi suy nghĩ hơn là hành động thì mình thấy hơi suy sụp. Mình không tốt đẹp, giỏi giang như lời mình nói ra. Từ đó bớt nghĩ to tát hơn kiểu vô tri từ trong suy nghĩ đến lối sống. Nhưng cũng nhẹ nhàng hơn chút vì biết khả năng mình thật sự tới đâu chứ không tham vọng quá nhiều nữa, muốn cuộc sống nhẹ nhàng đơn giản. Mà trong sự nghiệp thôi à”.
– “Cảm ơn bài viết. Mình tin là cũng còn nhiều người, trong đó có những bạn Gen Z như mình lạc vào vòng lặp này nhưng khó tìm đuợc một lối đi phù hợp. Nhưng nếu không đi thì sẽ không biết được hay mất. Chọn kiên định và kỉ lụât để khám phá những điều mình dám nghĩ. Cảm ơn bạn chia sẻ nha”.
– “Cảm ơn bạn vì những phân tích kĩ lưỡng này. Đọc xong mình thấy mình trong đó, và mình đang trên con đường giảm bớt việc suy nghĩ lan man. Đúng là việc cảm nhận quá sâu về cuộc sống đôi khi có thể là con dao hai lưỡi, biết quá nhiều nhưng cũng sợ quá nhiều. Chi bằng mình hành động, muốn làm gì thì làm luôn. Chúc chúng ta có thể có cái nhìn thoáng hơn về mọi chuyện trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, phía ngược lại cũng cho rằng đây chỉ là quan điểm chỉ nhìn vào 1 khía cạnh của vấn đề.
Theo những gì chàng trai miêu tả, đây là dấu hiệu của người hay trì hoãn, chứ không phải người có suy nghĩ phức tạp. Người hay trì hoãn thường có phức tạp hoá trong suy nghĩ, song người có suy nghĩ phức tạp thì chưa chắc là người hay trì hoãn.
Thực tế, việc suy nghĩ phức tạp cũng có rất nhiều lợi thế. Khi bạn suy nghĩ sâu xa về một thứ, thì có thể tránh được những rủi ro không đáng có. Đặc biệt khi cần làm chuyện lớn, phải bỏ vốn đầu tư tính đến tiền hàng trăm triệu đồng, nếu không có suy nghĩ phức tạp thì không khác gì phung phí tiền bạc.
Dưới đây là một số bình luận phản bác lại quan điểm trên:
– “Bạn nói chỉ đúng một phần thôi, thấy những dẫn chứng của chủ tus giống người trì hoãn, người nhu nhược hơn. Với tất cả những ví dụ trên thì tuổi nào cũng thất bại, chứ không phải chỉ người trẻ”.
– “Phản biện lại nè: Thế nào mới là suy nghĩ phức tạp? Theo như bạn nói thì giống lảng tránh, trì hoãn, lo sợ hơn là suy nghĩ phức tạp. Nhưng ngược lại suy nghĩ phức tạp tích cực thì cũng có thể là tính toán đường đi nước bước, lên kế hoạch rồi vào triển khai. Điều này thì tốt, chứ sao lại gây hỏng chuyện được”.
Thực tế, đánh giá “một người sẽ không thành công trong đời” chỉ dựa vào 1 nét tính cách thì đúng là quá phiến diện.
Ví dụ, nhiều người cũng thường cho rằng những “người lười” sẽ khó thành công. Tuy nhiên, nếu những “người lười” tích cực thì họ sẽ cố gắng tối ưu thời gian làm việc, song vẫn có cách để vẫn đảm bảo KPI. Vậy thì đâu thể là người không thành công được?
Nhìn chung mọi vấn đề đều có rất nhiều mặt để có thể đánh giá toàn diện đúng hay sai. Và nhận định của chủ tus cũng chỉ là quan điểm của… chàng trai 25 tuổi. Vậy nên dòng trạng thái này vẫn gây tranh cãi dữ dội, kết quả đúng sai vẫn tuỳ vào mỗi người.
Còn bạn, bạn nhận thấy sao về nhận định “người không thành công” này?
- Nguồn:
- LINK