- Tháng hai 18, 2025
Phóng sự ảnh: Theo chân những nghệ sĩ hát Tiều sau cánh gà sân khấu ở Sài Gòn
Nói đến nghệ thuật ca kịch, tuồng cổ, trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn tồn tại hai dòng tiêu biểu là Việt kịch và Triều kịch. Việt kịch sử dụng ngôn ngữ Quảng Đông (hát Quảng), còn Triều kịch sử dụng tiếng Tiều (hát Tiều).
Những ngày vừa qua trong dịp năm mới, Nguyên tiêu,.. những tiếng hát vang vọng khắp các hội quán trong khu vực Chợ Lớn. Đều đều vào 19h hằng ngày, các vở diễn sẽ được bắt đầu. Hôm nay tôi có mặt sớm tại hội quán Nghĩa An (phường 11, quận 5) để theo dõi buổi biểu diễn vở Triều kịch: Lưu Minh Châu do đoàn II Viện Triều kịch Quảng Đông (Trung Quốc) thể hiện.
Mặc dù còn gần 2 tiếng mới đến lúc vở diễn được bắt đầu, thế nhưng đã có rất nhiều người đổ về khu vực sân của hội quán Nghĩa An.
Phía sau cánh gà, các nghệ sĩ thuộc đoàn II Viện Triều kịch Quảng Đông cũng đã có mặt từ sớm, ai nấy đều tất bật chuẩn bị, hóa trang cho vai diễn của mình. Do mang tính nghệ thuật đặc thù, sử dụng phương ngữ, khu trú, sinh hoạt trong vùng văn hóa nhất định, bộ môn ca kịch của người Hoa chỉ gói gọn trong cộng đồng người Hoa.
Các nghệ sĩ đều có lớp trang điểm nền khá giống nhau nhưng nét tinh tế nằm ẩn ở mỗi chi tiết nhỏ. Chứng kiến hậu trường một buổi hóa trang, mới thấy tình yêu, niềm đam mê với nghề, bởi các nghệ sĩ đều phải tự tay trang điểm, hóa thân vào nhân vật. Trong nghệ thuật ca kịch, tuồng cổ, hóa trang là một phần việc cực kỳ quan trọng, bởi qua đường nét, hình ảnh, diện mạo, đã phần nào miêu tả tính cách, thần thái của nhân vật.
Hình ảnh một nam diễn viên trong vở từ lúc hóa trang tới khi hoàn tất về cả phần phục trang để chuẩn bị bước vào vai diễn.
Một nét đẹp khác trong nghệ thuật tuồng hát của người Hoa, chính là phục trang cho các vở diễn. Mỗi loại trang phục, được sử dụng gắn liền với một nhân vật. Tìm hiểu trong từng bộ trang phục, cứ như được gặp gỡ những nhân vật tuồng hát bước ra giữa đời thường. Và điều thú vị hơn, các trang phục ấy có thể được làm từ những nơi sản xuất chuyên nghiệp nhưng đôi khi cũng do những nghệ sĩ, người hâm mộ, tự tay thêu – dệt – đính cườm – trang trí để các diễn viên sử dụng cho diễn xuất của mình.
Ban nhạc trong vở diễn hôm nay được gọi là đội hí. Đội hí gồm các loại nhạc cụ thuộc bộ dây như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nhị, đại sô na, tiểu sô na, tần cầm, tiêu, thập lục, như huyền, trúc huyền, bàn hồ được bố trí phía bên phải của sân khấu. Đây là dàn nhạc chính, đánh các bài bản theo từng vai diễn. Và đây cũng là một phần linh hồn của vở diễn, các nghệ sĩ cũng chuẩn bị cho phần âm thanh kĩ càng trước khi vở diễn bắt đầu.
Đúng 19h, tiếng nhạc cất lên, buổi diễn bắt đầu với sự tập trung các diễn viên của đoàn kịch Quảng Đông ở trên sân khấu và niềm hân hoan của khán giả ở phía dưới.
Khi buổi diễn bắt đầu, ở phía trong các diễn viên chưa tới vai vẫn tiếp tục luyện tập cho các vai diễn tiếp theo của mình.
Sân khấu và vị trí ngồi cho khán giả được đặt ngay tại phần sân trung tâm của hội quán Nghĩa An, gần như chỉ còn vài chỗ trống, bên cạnh đó rất nhiều người ghé hội quán để thăm hương cầu an năm mới cũng nán lại để chứng kiến buổi diễn Triều kịch: Lưu Minh Châu.
Nhiều người không kịp mua vé, đành chấp nhận đứng phía ngoài khu vực ghế ngồi để theo dõi vở diễn.
Trước đây, các gánh hát Tiều thường diễn những vở lấy từ các tích truyện của Trung Hoa trong lịch sử như “Tiết Nhơn Qúy”, “Tiết Đinh San”, “Mộc Quế Anh”, “Mạnh Lệ Quân”, “Triệu Ngũ Nương”, “Trần kim mẫu đơn”, “Giả kim mẫu đơn”, “Quách Tử Nghi”, “Chị ba Lưu”…
Những năm gần đây, ở khu vực Chợ Lớn-nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Hoa sinh sống, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị vốn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống Trung Hoa rất được chú trọng.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng bào người Hoa đã cùng chính quyền, các tổ chức xã hội khôi phục, bảo tồn, phát huy nhiều di sản văn nghệ thuật đặc sắc, trong đó có hát Tiều (Triều Kịch), góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn nói riêng và Nam bộ nói chung.
Tại hội quán Nghĩa An (phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), đoàn II Viện Triều kịch Quảng Đông sẽ biểu diễn các vở như Tô Lục Nương, Trương Xuân Lan Cắt Tóc, Xuân Thảo Náo Công Đường,… vào lúc 19h00 từ ngày 15/02/2025 (18 tháng Giêng) tới 22/02/2025 ( 25 tháng Giêng). Đây là một trong chuỗi các sự kiện nằm trong dịp Nguyên tiêu tại khu vực Chợ Lớn.
- Nguồn:
- LINK